- Quãng đường di chuyển ≈ 20km, thời gian di chuyển: 6 tiếng
06h30-07h00 Quý khách tập trung tại Số 10 Ngõ 175 Đường Hồng Hà, Long Biên nhận xe đạp, mũ bảo hiểm và điều chỉnh độ cao xe cho phù hợp, vận động cơ thể theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên.
07h00 Quý khách xuất phát từ Cầu Long Biên theo hướng Phố cổ để trải nghiệm cảm nhận được sự nhộn nhịp của cuộc sống, sự đa dạng trong ẩm thực cùng bề dày văn hóa, lịch sử và sự thân thiện của người dân. Từ những ngõ ngách trong thành phố, những công trình từ thời Pháp, các quán xá vỉa hè với những món ẩm thực địa phương phong phú hay cách người Hà Nội sử dụng phương tiện giao thông.
07h30 Đoàn di chuyển đến Đền Bạch Mã (Đông Trấn – Bạch Mã tối linh từ) đặt lễ, tham quan - Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỉ thứ IX, là nơi thờ thần Long Đỗ - vị thần có nguồn gốc Hà Nội cổ, ngôi đền trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa tọa lạc ở địa phận thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
08h15 Đoàn di chuyển đi Văn Miếu Quốc Tử Giám – Ngôi trường đại học đầu tiên của đất nước Việt Nam. Nơi đào tạo ra những “thần đồng Đất Việt” cùng với vị thầy giáo Chu Văn An nổi tiếng thời bấy giờ.
09h00 Đoàn tiếp tục di chuyển đến Đền Kim Liên (Nam Trấn – Kim Liên từ). Đền Kim Liên trước thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngôi đền được biết đến là một ngôi đền thiêng trong hệ thống “Tứ trấn Hà Nội” trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Đền thờ thần Cao Sơn đại vương - người đã có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê và được nhà vua lập đền thờ để tương nhớ.
09h50 Đoàn tiếp tục di chuyển đến Đền Voi Phục (Tây Trấn từ). Ngôi đền là một đền thiêng trấn phía Tây kinh thành Thăng Long, ngoài những ý nghĩa trấn yểm, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa luôn được bình yên, đền còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau xuyên suốt dòng chảy văn hóa lịch sử và đã trở thành vẻ đẹp của Hà Nội cần được giữ gìn và bảo tồn.
10h50 Đoàn di chuyển đến Đền Quán Thánh (Bắc Trấn – Trấn Vũ Quán). Là ngôi đền nằm ở giữa ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh nổi tiếng linh thiêng, thuộc một trong “Tứ trấn Hà Nội”, đền Quán Thánh trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa có tên chữ là Trấn Quán Vũ, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ - vị thần có công diệt trừ yêu quái. Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ, là một ngôi đền mang nét kiến trúc khá đẹp, độc đáo.
12h00 Sau khi đi lễ và tham quan tứ trấn đoàn di chuyển về nhà hàng ăn trưa.
13h30 Đoàn tiếp tục di chuyển để tham quan Hoàng Thành Thăng Long - là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
14h00 Đoàn tiếp tục di chuyển đến Nhà hát múa rối nước Thăng Long. Xem show biểu diễn với một số trò rối nước tiêu biểu:
- Chú Tễu: Chú Tễu là hiện thân của một thanh niên nông dân khoẻ mạnh, hiền lành, chất phác, có vai trò như người dẫn chuyện trong các dịp lễ hội làng quê. Chú có nhiệm vụ khai mạc lễ hội, giới thiệu chương trình và thông báo các sự kiện đang diễn ra trong làng. Nhân vật này có quyền tự do nói kháy về bất cứ sự việc nào hoặc bất cứ ai. Sự xuất hiện thường xuyên của chú làm cho chú trở thành nhân vật trung gian, tạo nên sự cảm thông giữa khán giả và các nhân vật rối.
- Công việc nhà nông: Các công việc chính liên quan đến cuộc sống nông nghiệp được các con rối thể hiện sinh động, như cày đất, cấy lúa, tưới nước…
- Sự tích Hồ Gươm: Sự tích trò rối này liên quan đến câu truyện truyền thuyết về sự tích Hồ Gươm. Theo truyền thuyết được ghi lại trong nhiều tư liệu, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong 10 năm (1418 - 1427 ) để giành lại độc lập. Cuộc kháng chiến diễn ra cực kỳ gian khổ, nhưng nhờ được thần Kim Quy trao cho gươm báu nên Lê Lợi đã giành được thắng lợi và lên ngôi vua vào năm 1428. Một lần đang du thuyền trên hồ, rùa vàng nổi lên và đòi nhà vua trả lại gươm thần và sau đó hồ được đặt tên là Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm.
- Vinh qui bái tổ: Xưa, thông thường theo lệ, 3 năm hoặc 5 năm triều đình lại tổ chức một khoa thi để chọn nhân tài, phân cấp thành thi Hương, thi Hội và thi Đình, những người thi đỗ đại khoa được triều đình tôn vinh, ân chuẩn cho được mũ áo về làng vinh quy bái tổ. Đến thời Lê Thánh Tông, các Tiến sĩ đỗ từ khoa thi năm Nhâm tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) được khắc vào bia đá để lưu truyền cho các đời sau, lưu danh muôn thuở, việc làm đó được coi là ân sủng đặc biệt của triều đình những cũng là lời nhắc nhở với các nhà khoa bảng phải luôn trau đồi đạo đức, tài năng để giúp nước giúp dân, mãi giữ thanh danh của mình.
- Múa Tiên: Trò múa liên quan đến chủ đề Rồng - Tiên được coi là tổ tiên của người Việt. Khoảng 2800 năm trước công nguyên, cha Lạc Long Quân lấy mẹ Âu cơ đẻ ra trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Sau đó 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Lạc Long Quân sau nhường ngôi cho người con cả và đặt tên nước là Văn Lang. Vua mới lấy tên là Hùng Vương và trở thành ông vua đầu tiên của các triều đại Việt Nam.
16h00 Đoàn khởi hành về điểm hẹn ban đầu. Trên đường về có thể ghé mua những đặc sản của Thủ đô về làm quà cho người thân.
16h30 Chia tay, kết thúc hành trình. Hẹn gặp lại quý khách vào những chương trình sau.