Hotline:02437868333

Khám phá Mã Pì Lèng – “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam

Mã Pí Lèng

Mã Pí Lèng (马鼻梁) là tên gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người H'Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là "sống mũi con mèo".

Mã Pí Lèng

Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) trên cao nguyên đá Đồng Văn có độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc.

Mã Pí Lèng

Người Pháp đến Hà Giang từ năm 1900, họ đã từng khảo sát, từng muốn mở đường lên vùng đất này, vậy mà gần nửa thế kỷ chiếm đóng, họ vẫn không thay đổi được gì, việc tiếp tế cho các đội quân đồn trú của Pháp vẫn phải chuyển theo những con đường mòn cheo leo bằng sức người và ngựa.

Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, ngày 29 tháng 03 năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường này, về sau mang tên “Đường Hạnh Phúc”, được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với sự tham gia của hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công của 8 tỉnh hiện nay là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.

Mã Pí Lèng

Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm: đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Bài viết cùng loại

0918935005
02437868333